Chó bị sốt là lúc hệ miễn dịch của chúng bị virus tấn công và phản ứng lại. Những biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và chó lại có thân nhiệt cao hơn người nên rất khó nhận biết. Vậy nguyên nhân nào khiến chó bị sốt? Triệu chứng và cách hạ sốt nhanh nhất, chăm sóc chó khi sốt như thế nào? Cùng mình tìm hiểu thông qua những kiến thức được chia sẻ dưới đây.
Hiểu đúng về khái niệm “chó bị sốt”
Sốt là từ ngữ mô tả nhiệt độ cơ thể tăng cao so với giới hạn nhiệt bình thường. Điều này xảy ra khi cơ thể phản ứng với tình trạng nhiễm trùng. Sốt vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Đối với chó, thân nhiệt trung bình của chúng nằm trong khoảng 37,5 – 39,2 độ C. Chó bị sốt khi nhiệt độ cơ thể chúng tăng cao bất thường lên đến 39,5 độ C. Và các biến chứng nghiêm trọng như: mất ý thức, co giật hoặc tử vong sẽ xảy ra khi thân nhiệt chó lên đến 42 độ C.
Xem thêm: nguyên nhân và cách điều trị chó bị viêm da
Chó bị sốt do đâu?
Nguyên nhân chó bị sốt là điều được chủ nuôi quan tâm. Xác định sớm nguyên nhân gây sốt sẽ hỗ trợ điều trị cho chó tốt hơn, không đem đến những hậu quả khó lường ảnh hưởng đến sức khỏe của chó.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây sốt ở chó:
Sốt sữa ở chó mẹ sau sinh
Sau sinh, khi chó mẹ cho chó con bú sữa, nếu lượng sữa chó con rút ra quá nhiều sẽ làm hệ thống tiết sữa của cơ thể chó mẹ hoạt động quá tải. Điều này khiến lượng canxi trong máu của chó mẹ bị mất cân bằng đột ngột, làm rối loạn hoạt động hệ thần kinh trung ương, thân nhiệt tăng cao và hô hấp khó khăn dẫn đến cơn sốt sữa.
Cơn sốt sữa xảy ra rất nhanh và bất ngờ nên nếu không kịp thời phát hiện và điều trị có thể khiến chó mẹ tử vong. Do đó, thời gian đầu sau sinh, bạn nên để ý đến chó mẹ thường xuyên và chăm sóc cho chúng đúng cách để đảm bảo sức khỏe.
Viêm Amidan
Viêm amidan khiến cổ họng chó nổi hạch, sưng to, tạo các ổ mủ và tuyến giáp bị áp xe. Chó sẽ bị ho liên tục, khó nuốt, chảy nước dãi, thở gấp và sốt. Có khi nôn mửa.
Ngộ độc thực phẩm
Tình trạng này diễn ra khi chó ăn những thực phẩm không phù hợp với hệ tiêu hóa như: socola, rượu, chất tạo ngọt nhân tạo Xylitol, quả nho, quả bơ… hoặc những thức ăn để lâu ngày, ôi thiu và hết hạn sử dụng.
Khi chó dung nạp vào cơ thể, những thực phẩm này sẽ biến thành chất độc gây hại khiến chó nôn mửa, tiêu chảy, co giật, sốt cao và khả năng tử vong.
Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất khiến chó bị sốt. Các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể chó khiến thân nhiệt chúng tăng cao dẫn đến các phản ứng toàn thân bao gồm sốt.
Nhiễm khuẩn có thể ở một vị trí cố định hoặc lan khắp cơ thể theo đường máu. Những căn bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở chó như:
- Nhiễm trùng da.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng đường hô hấp.
- Nhiễm trùng tai.
- Nhiễm trùng các cơ quan nội tạng: gan, thận, phổi, não.
Nhiễm độc chì
Đây là tình trạng xảy ra khi lượng chì tích tụ trong cơ thể chó vượt ngưỡng cho phép. Lúc này, chó bị sốt cao, mắt và mũi chảy dịch vàng, toàn thân run rẩy, không di chuyển được, sủa liên tục và miệng sủi bọt, nôn ói và đi ngoài ra máu.
Chó bị nhiễm độc chì khi:
- Hít phải không khí, bụi nơi có chì.
- Uống nước nhiễm chì.
- Ăn trúng những thức ăn, đồ vật chứa chì.
Sau khi tiêm vacxin phòng bệnh
Hầu hết những chú chó sau khi tiêm vacxin phòng bệnh, hệ miễn dịch của chúng sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng nhiệt. Chó bị sốt cao và khả năng biếng ăn 1-2 ngày. Đây là phản ứng bình thường sau tiêm và được theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, nếu chó bị sốt cao liên tục không hạ, tình trạng kéo dài nên đưa chúng đến bác sĩ thú y để thăm khám và điều trị kịp thời.
Sốt không rõ nguồn gốc
Những cơn sốt không rõ nguồn gốc ở chó có thể xảy ra khi rối loạn hệ miễn dịch, viêm xương tủy, các bệnh nhiễm trùng không thông thường, rối loạn tuần hoàn máu, viêm tuyến giáp,… hoặc ung thư.
Những nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể khiến chó bị sốt như:
- Hạ huyết nếu chó không được đáp ứng đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể có trong mỗi khẩu phần ăn.
- Bệnh cầu trùng.
- Chó già, sức đề kháng kém.
Dấu hiệu nhận biết chó bị sốt
Khi nhận thấy thân nhiệt của chó tăng cao bất thường. Hãy quan sát chó, chú ý đến hành vi và biểu hiện của chúng để xác định chính xác chó bị sốt. Những dấu hiệu dễ nhận biết khi chó bị sốt:
- Chó buồn rầu, chán nản, lười vận động,
- Biếng ăn, bỏ ăn, đi ngoài mất kiểm soát.
- Ho khan, nôn mửa.
- Tai và mũi ấm lên, mắt đỏ.
- Tiếng thở to, thở gấp, thở khò khè, thè lưỡi liên tục.
- Toàn thân run rẩy, hay rùng mình, đi đứng loạng choạng.
- Tâm trạng chó ủ rũ, mệt mỏi, hay lẩn trốn trong góc nhà, không muốn tiếp xúc với chủ và các vật nuôi khác.
Xem thêm: dấu hiệu nhận biết chó bị hoảng sợ
Cách giúp chó hạ sốt nhanh nhất tại nhà
Khi chó bị sốt, quan trọng nhất là phải kịp thời phát hiện và điều trị để chó hạ sốt nhanh nhất. Bởi chó sốt càng cao thì các cơ quan nội tạng trong cơ thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng gây hại cho sức khỏe của chó. Vậy khi chó bị sốt, bạn nên làm gì?
Xác định thân nhiệt của chó
Cách nhanh nhất để xác định chó bị sốt là đo thân nhiệt của chúng. Việc đo thân nhiệt được thực hiện bằng cách sử dụng nhiệt kế kỹ thuật số dành riêng cho vật nuôi, đo nhiệt độ ở tai và trực tràng của chó.
- Cách đo nhiệt độ ở tai: đặt nhiệt kế vào sâu trong ống tai chó để đo các sóng nhiệt hồng ngoại phát ra từ xung quanh khu vực màng nhĩ. Lấy nhiệt kế ra sau khi có kết quả, khoảng 5-60 giây.
- Cách đo nhiệt độ ở trực tràng: Thoa một ít dầu em bé lên nhiệt kế, đưa nhiệt kế vào hậu môn của chó khoảng 2cm. Lấy nhiệt kế ra ngay sau khi có kết quả. Cách đo này được cho là chính xác nhất khi xác định thân nhiệt của chó.
Trường hợp chó bị sốt nhẹ
Khi thân nhiệt chó nằm trong khoảng 39,3-39,5 độ C, chó bị sốt nhẹ. Nguyên nhân có thể do chúng gặp vấn đề về hệ tiêu hóa hoặc hệ hô hấp. Chỉ cần cho chúng ăn những thực phẩm mềm được nấu chín kỹ, bổ sung thêm vitamin B và C giúp cơ thể mau hồi phục.
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không cho chúng ăn những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Nên ăn cháo, đồ ăn nhạt để kích thích tiêu hóa.
Cho chó uống men tiêu hóa giúp dạ dày ổn định.
Trường hợp bị sốt nặng
Chó bị sốt nặng khi thân nhiệt của chúng trên 39,5 độ C. Tình trạng này kéo dài kèm theo những triệu chứng như chó ho nhiều, khát nước, khó thở hay xuất hiện co giật. Đừng đợi chó sốt quá cao lên đến 42 độ C mà hãy dẫn chúng đến phòng khám thú y nhanh nhất để được theo dõi và chữa trị.
Bạn nên khử trùng và dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, nơi ở của chó để tránh chúng bị tái mắc bệnh.
Cách chăm sóc và hạ sốt cho chó
Khi chó bị sốt, việc đầu tiên cần làm là giúp chó hạ sốt. Thoa nước mát xung quanh bàn chân và tai của chó. Đồng thời, chườm khăn lạnh lên ngực, bụng và trán của chó để giúp cơ thể giảm nhiệt nhanh.
Liên tục theo dõi thân nhiệt chó, làm mát cơ thể cho đến khi nhiệt độ xuống dưới 39,5 độ C.
Bổ sung nước thường xuyên cho chó. Có thể cho chúng uống ít nước ấm, ăn cháo loãng kèm thịt nạc xay nhuyễn để kích thích hệ tiêu hóa.
Cho chó nằm một chỗ nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Không cho chúng vận động, chạy nhảy nhiều.
Cách ly chó với các vật nuôi khác trong nhà để tránh lây bệnh.
Nếu nhận thấy chó bị sốt có dấu hiệu ăn hay uống nước đều bị nôn mửa thì phải liên hệ ngay với bác sĩ thú y để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Cách phòng ngừa bệnh sốt ở chó
Để phòng ngừa chó bị sốt, bạn cần lưu ý một số vấn để sau:
- Chú ý đến thức ăn của chó, cần cho chúng ăn thực phẩm đã nấu chín kỹ và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn.
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, lành mạnh và an toàn cho chó. Không cho chúng tiếp xúc với những vật nuôi đang bị bệnh.
- Không tự ý cho chó uống thuốc khi chưa có sự tham vấn của bác sĩ thú y.
- Không cho chó tiếp xúc hay ăn các đồ vật chứa chất hóa học như: sơn móng tay, các chất tẩy rửa, xà phòng, sơn nhà, vụn sơn, đồ làm ống nước, những đồ chơi có chứa chì…
- Không để chó tiếp xúc với môi trường quá lạnh, nên giữ ấm nơi ở của chúng.
- Sau khi tắm, nên lau sấy khô lông chó để tránh chúng bị cảm lạnh dẫn đến sốt.
- Thường xuyên dẫn chó ra ngoài vận động để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe.
- Trò chuyện và chơi đùa cùng chó mỗi ngày để chúng có sức khỏe tinh thần ổn định.
- Tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Kết luận
Chó bị sốt là căn bệnh khiến rất nhiều chủ nuôi hoang mang. Tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị là vấn đề vô cùng quan trọng để chó cưng phát triển khỏe mạnh. Hãy lưu tâm và theo dõi kỹ khi chó có dấu hiệu bị sốt để tránh cho chúng gặp phải những biến chứng không mong muốn.
Với niềm đam mê đặc biệt với chó, mình tạo ra blog để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện thú vị xoay quanh các loại chó đẹp và cách chăm sóc chúng. Hy vọng rằng blog “Chó đáng yêu” sẽ là một nguồn thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho những người yêu chó.