Chó bị rụng lông là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi bạn thấy lông chó rụng quá nhiều hoặc lông rụng tập trung ở một vùng cố định trên cơ thể thì có thể là chó của bạn đang gặp vấn đề không tốt về sức khỏe. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng ngừa và cách điều trị chó bị rụng lông để giúp cún cưng duy trì thể trạng khỏe mạnh.
Chó bị rụng lông do nguyên nhân nào?
Một chú chó sở hữu bộ lông đẹp, bóng mượt là những chú chó khỏe mạnh, được chăm sóc tốt nhưng nên khi chúng bắt đầu rụng quá nhiều lông, lớp lông khô, thô ráp sẽ khiến chủ lo lắng. Tình trạng này không những làm giảm đi vẻ đẹp của thú cưng mà còn là dấu hiệu có thể tiết lộ nhiều vấn đề sức khỏe của chúng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây khiến chó bị rụng lông.
Dị ứng
Hơn 90% tình trạng rụng lông ở chó có liên quan đến dị ứng. Dị ứng có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài. Môi trường, thời tiết, khí hậu, nấm, phấn hoa và thậm chí cả thực phẩm đều có thể gây ra các triệu chứng của bệnh này.
Khi bị dị ứng, cơ thể chó bị ngứa khiến chúng khó chịu, gãi liên tục và làm da bị tổn thương. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến rụng lông thành từng mảng lớn, da tấy đỏ và sưng tấy.
Nhiễm khuẩn và ký sinh trùng
Các loại ký sinh trùng như bọ chét, ve, chấy rận, các vi khuẩn gây nấm da, viêm da… cũng là nguyên nhân khiến chó bị rụng lông. Khi cơ thể chó bị nhiễm khuẩn sẽ gây ngứa, da sưng đỏ thậm chí chảy máu do chúng gãi hoặc cắn mạnh vào vết thương.
Những vết thương bị nhiễm khuẩn thường được chó liếm để giảm bớt cảm giác đau nhức nên có thể lan rộng ra khắp cơ thể khiến lông rụng từng mảng trên lưng, bụng, cổ… và không thể phục hồi.
Bệnh rối loạn nội tiết tố (bệnh Cushing)
Bệnh Cushing là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rụng lông ở những chó sống lâu năm. Thông thường, bệnh Cushing xảy ra do cơ thể sản sinh ra nhiều hormone cortisol hoặc trong quá trình điều trị bệnh cho chó đã lạm dụng thuốc chữa corticosteroid.
Điều này khiến các mô của chó tiếp xúc với nồng độ cortisol cao trong thời gian dài. Kết quả là da sạm màu, teo cơ, bụng phình to và chán ăn, cơ thể mệt mỏi dẫn đến việc chó bị rụng lông.
Ma sát mạnh khi tiếp xúc với mặt đất
Những vùng da chó tiếp xúc thường xuyên với mặt đất, chẳng hạn như khuỷu chân và ngực với lực ma sát lớn có thể khiến chó bị rụng lông.
Trường hợp này hay xảy ra ở những con chó to lớn và nặng, chẳng hạn như Chó ngao Tây Tạng. Khi nằm xuống, sẽ tạo ma sát giữ những điểm tiếp xúc này với mặt đất có thể khiến vết chai xuất hiện, gây rụng lông và không cho lông mọc lại.
Yếu tố di truyền
Trong quá trình lai tạo chó vô tình dẫn đến những bệnh di truyền không mong muốn bao gồm cả bệnh rụng lông. Những giống chó có xu hướng rụng lông do di truyền được kể đến như: Doberman Pinschers, Chihuahuas và Dachshunds. Kiểu lông của chúng thay đổi kể từ khi chúng được sinh ra, dẫn đến bộ lông loang lổ và trông rất khác thường.
Cơ thể suy dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống không cung cấp đủ chất như đạm, vitamin, kẽm, magie khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến việc chó bị rụng lông. Việc bổ sung thực phẩm chứa đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển của lông và giúp cơ thể chó khỏe mạnh.
Biện pháp điều trị chó bị rụng lông theo nguyên nhân cụ thể
Rụng lông ở chó không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu sức khỏe chó không ổn định. Để giải quyết triệt để, xác định nguyên nhân gây rụng lông và tìm biện pháp điều trị phù hợp. Ví dụ:
- Chó bị bị ứng: xác định nguồn gây dị ứng, có thể là thực phẩm, môi trường hoặc sản phẩm chăm sóc. Loại bỏ các chất gây dị ứng để ngăn ngừa rụng lông. Sử dụng thuốc chống dị ứng theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y.
- Da chó bị nhiễm ký sinh trùng: tìm ký sinh trùng trên lông chó như ve, bọ chét, ghẻ, chấy rận. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc như Frontline để loại bỏ và ngăn ngừa. Đảm bảo môi trường sống của chó cưng luôn sạch sẽ và thoải mái.
Khi phát hiện chó bị rụng lông, cần làm gì?
Khi phát hiện chó bị rụng lông, bạn cần quan sát xem chú chó của mình có gãi nhiều, liếm da hoặc có những phản ứng bất thường thể hiện qua cảm xúc của chúng. Sau đó, thực hiện trình tự theo các bước sau:
- Tìm vị trí chó gãi, liếm hoặc cắn khi ngứa. Giữ chúng nằm yên không cho đụng vào vết thương.
- Dùng oxy già hoặc thuốc đỏ lau sạch vùng da bị nhiễm khuẩn gây ngứa.
- Dùng thuốc xịt chống ngứa dành riêng cho chó xịt vào vùng da bị tổn thương.
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh trị ngứa, viêm da lên vùng da bị viêm nhiễm và dán lại bằng băng dán y tế cá nhân.
- Dùng 2 lớp gạc y tế che chắn lên vết thương, sau đó lấy băng keo y tế dán cố định miếng gạc vào cơ thể.
- Sử dụng một loại dung dịch có vị đắng xịt lên chỗ băng bó vết thương để chú chó không liếm hay chạm miêng vào đó.
- Xích chú chó ở yên một chỗ, không cho chúng ra ngoài cho tới khi vết thương lành hẳn.
Cách phòng ngừa chó bị rụng lông
Chế độ ăn uống phù hợp
Cung cấp chế độ ăn giàu protein và đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp chó có bộ lông khỏe mạnh, lông mềm và mướt, ít rụng. Bổ sung nhiều thực phẩm chứa omega3, vitamin B, thêm một vài giọt dầu oliu hoặc dầu dừa vào khẩu phần ăn hàng ngày, cho chó uống đủ nước…
Hạn chế những thực phẩm giàu chất béo hoặc thức ăn có chứa nhiều gia vị.
Chăm sóc lông kỹ lưỡng
Chọn các sản phẩm chăm sóc và sữa tắm phù hợp với loại da của chó, tránh các sản phẩm có thể gây kích ứng. Chải lông thường xuyên cho chó để loại bỏ bụi bẩn, lông chết, giảm xơ rối bằng lược chải chuyên dụng giúp kích thích mọc lông mới, loại bỏ tình trạng rụng lông.
Tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ
Phải luôn đảm bảo chó của bạn có một môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Dọn vệ sinh thường xuyên nơi ở của chó để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, mùi hôi và nấm mốc. Đồng thời, lau dọn và giặt giũ, vệ sinh đệm nằm, đồ chơi của chúng 1 lần/tuần.
Khám bệnh, chăm sóc sức khỏe định kỳ
Kiểm tra da và lông chó cưng của bạn thường xuyên để phát hiện sớm mọi vấn đề và đến gặp bác sĩ thú y để điều trị kịp thời.
Duy trì lịch tiêm chủng đều đặn cho chó theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật.
Tăng cường hoạt động thể chất
Thường xuyên dắt chó ra ngoài đi dạo ít nhất 30 phút/ngày, thúc giục chúng vận động và cho chúng thoải mái chạy nhảy không không gian rộng để kích thích tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng và nâng cao sức khỏe.
Lưu ý khi chăm sóc chó bị rụng lông
Khi chó có dấu hiệu bị rụng lông, hãy quan sát và xác định chắc chắn chó bị rụng lông theo mùa (rụng lông sinh lý) hay rụng lông bệnh lý để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Khi chăm sóc chúng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên sử dụng sữa tắm của người để tắm cho chó. Nên dùng sữa tắm hỗ trợ điều trị rụng lông để chó cảm thấy dễ chịu hơn khi tắm.
- Sử dụng thuốc điều trị rụng lông theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thú y.
- Loại bỏ lông chó rụng trong nhà bằng máy hút bụi hoặc cây lăn bụi, giữ cho chó môi trường sống sạch sẽ.
- Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng hỗ trợ lông mọc.
Xem thêm: cách điều trị chó bị viêm da
Lời kết
Chó bị rụng lông không chỉ làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của chúng. Để duy trì và bảo vệ sức khỏe, cũng như giữ cho bộ lông của chó luôn ở trạng thái khỏe mạnh, bóng mượt, cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp điều trị thích hợp.
Với niềm đam mê đặc biệt với chó, mình tạo ra blog để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện thú vị xoay quanh các loại chó đẹp và cách chăm sóc chúng. Hy vọng rằng blog “Chó đáng yêu” sẽ là một nguồn thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho những người yêu chó.